[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta sẽ bắt đầu bằng việc trình bày khái niệm về “thu nhập quốc gia”, khái niệm sẽ được dùng thường xuyên trong sách. Theo định nghĩa, thu nhập quốc gia đo lường toàn bộ thu nhập có được của tất cả những cư dân trong một nước trong vòng một năm, bất kể hình thức pháp lí của những thu nhập này.

Thu nhập quốc gia liên quan chặt chẽ tới khái niệm “sản phẩm thô trong nước” (SPTTN), rất hay được dùng trong các cuộc tranh luận công chúng, tuy nhiên chúng có hai sự khác nhau quan trọng. SPTTN đo lường toàn bộ hàng hóa và dịch vụ được làm ra trong vòng một năm trong lãnh thổ một nước. Để tính thu nhập quốc gia, trước tiên ta phải lấy SPTTN trừ đi phần xuống giá của vốn giúp sản xuất những sản phẩm đó, nghĩa là sự hao mòn nhà xưởng, thiết bị, máy móc, xe cộ, máy tính, v.v, được dùng trong vòng một năm. Khối lượng đáng kể này (hiện nay đạt tới khoảng 10% SPTTN tại phần lớn các nước) không tạo nên thu nhập cho ai cả: trước khi phát lương cho người làm việc, phát lợi nhuận trên vốn góp cho người giữ vốn góp hoặc thực hiện những khoản đầu tư mới, đầu tiên ta phải thay thế hoặc sửa chữa phần vốn bị hao mòn. Nếu ta không làm việc đó, nó sẽ tương ứng với một sự mất mát tài sản, tức là tương ứng với một thu nhập âm cho chủ sở hữu. Sau khi trừ đi phần xuống giá của vốn trong SPTTN, ta thu được “sản phẩm nét trong nước”, mà ta sẽ gọi đơn giản là “sản phẩm trong nước”, thường bằng 90% SPTTN .

Sau đó ta phải thêm phần thu nhập nét nhận được từ ngoài nước (hoặc trừ đi thu nhập nét chuyển ra ngoài nước, tùy tình hình từng nước). Ví dụ, một nước mà toàn bộ doanh nghiệp và vốn được sở hữu bởi chủ nước ngoài có thể có sản phẩm trong nước rất cao nhưng thu nhập quốc gia thấp hơn hẳn, sau khi trừ đi phần lợi nhuận và tiền thuê chảy ra nước ngoài. Ngược lại, một nước sở hữu phần lớn vốn của những nước khác có thể có thu nhập quốc gia cao hơn sản phẩm trong nước rất nhiều.

Ta sẽ trở lại xem xét những ví dụ của hai tình trạng đó, rút ra từ lịch sử của chủ nghĩa vốn và của thế giới hiện nay. Giờ hãy nhấn mạnh rằng loại bất bình đẳng quốc tế này có thể sinh ra những căng thẳng chính trị to lớn. Không nước nào vô tư làm việc cho nước khác, và đều đặn chuyển cho nước đó phần lớn sản phẩm của mình dưới dạng lợi nhuận trên vốn góp hoặc tiền thuê tài sản. Để một hệ thống như vậy trụ vững được đến một mức nào đó, thường nó phải đi kèm với những quan hệ áp đảo chính trị, như trường hợp Châu Âu sở hữu phần lớn phần còn lại của thế giới thời thuộc địa. Một trong những vấn đề trung tâm trong nghiên cứu của chúng ta là tìm hiểu xem trong những chừng mực và những điều kiện nào loại tình trạng này có khả năng tái diễn trong thế kỉ 21, có thể dưới những sắp đặt12 địa lí khác, ví dụ Châu Âu sẽ đóng vai trò người bị sở hữu chứ không phải người sở hữu (đây là nỗi lo ngại rất phổ biến hiện nay tại Lục địa Già - có lẽ hơi quá mức: ta sẽ xem xét sau).

Lúc này ta hãy tạm ghi nhớ rằng phần lớn các nước, dù là nước giàu hay nước mới nổi, hiện có tình trạng cân bằng hơn rất nhiều những gì ta đôi khi tưởng tượng. Tại Pháp cũng như Liên Hiệp Anh, tại Trung Quốc cũng như Brazil, tại Nhật cũng như Ý, thu nhập quốc gia không khác mấy so với sản phẩm trong nước - chỉ chênh lệch 1% hoặc 2%. Nói cách khác, tại tất cả các nước, dòng tiền chuyển vào và chuyển ra gần như cân bằng nhau (tại các nước giàu, thu nhập nhận từ ngoài nước nói chung cao hơn thu nhập chuyển ra chút xíu). Xấp xỉ mà nói, cư dân tại những nước khác nhau, thông qua đầu tư bất động sản và tài chính, sở hữu lượng của cải trong phần còn lại của thế giới không mấy hơn kém lượng của cải phần còn lại của thế giới sở hữu tại nước họ. Ngược lại với lời huyền hoặc đáng sợ nào đó, nước Pháp không bị sở hữu bởi những quĩ hưu trí California hoặc Ngân hàng Trung Quốc, không hơn không kém việc nước Mĩ không phải là tài sản của những nhà đầu tư Nhật Bản hoặc Đức. Nỗi lo ngại về những tình trạng như vậy mạnh đến mức mà sự hoang tưởng thường lấn át thực tại. Ngày nay, thực tế là bất bình đẳng vốn có tính trong nước mạnh hơn tính quốc tế rất nhiều: nó chủ yếu đối nghịch những người giàu và những người nghèo trong nội bộ một nước hơn là giữa các nước với nhau. Nhưng không phải lúc nào nó cũng như thế trong lịch sử, và hoàn toàn chính đáng khi ta tự hỏi dưới những điều kiện nào tình trạng này có thể tiến triển trong thế kỉ 21, cộng thêm vào đó là việc một số nước - Nhật Bản, Đức, những nước dầu mỏ, và - ở mức độ thấp hơn - Trung Quốc, gần đây đã tích lũy được những khoản tiền không nhỏ (mặc dù vẫn thấp hơn hẳn kỉ lục thời thuộc địa) mà phần còn lại của thế giới đang nợ họ. Như ta sẽ thấy trong phần sau, sự tăng tiến rất nhanh của sở hữu chéo giữa các nước (mỗi nước phần lớn bị sở hữu bởi các nước khác) có thể làm tăng, một cách chính đáng, cảm giác bị tước mất sở hữu, ngay cả khi các phần sở hữu-bị sở hữu bừ trừ nhau gần hết.

Tóm lại, đối với mỗi nước, thu nhập quốc gia có thể cao hơn hoặc thấp hơn sản phẩm trong nước, tùy thuộc vào thu nhập nét nhận từ ngoài nước là dương hay âm:

thu nhập quốc gia = sản phẩm trong nước + thu nhập nét nhận từ ngoài nước13

Trên phạm vi toàn thế giới, do các thu nhập nhận từ và chuyển ra ngoài nước bù trừ lẫn nhau, nên mặc nhiên là thu nhập bằng với sản phẩm:

thu nhập toàn cầu = sản phẩm toàn cầu14

Đẳng thức giữa dòng sản phẩm và dòng thu nhập hàng năm này là một điều hiển nhiên về mặt khái niệm và kế toán, nhưng nó còn phản ánh một thực tế rất quan trọng. Trong một năm nhất định, ta không thể phân phối nhiều thu nhập hơn những của cải mới được làm ra (trừ khi đi vay nợ nước khác, điều không thể ở qui mô hành tinh). Đảo lại, tất cả sản phẩm phải được phân phối dưới dạng thu nhập - dưới cách này hay cách khác: hoặc dưới dạng tiền lương, tiền phụ cấp, tiền bồi dưỡng, tiền thưởng, v.v trả cho người làm công hoặc người đã góp sức lao động vào quá trình sản xuất (ta gọi đó là thu nhập từ làm việc); hoặc dưới dạng lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, tiền thuê tài sản, tiền phí v.v, vào tay những người đã dùng vốn của họ trong quá trình sản xuất (ta gọi đó là thu nhập từ vốn).

12: người dịch. Nguyên bản: configuration.
13: Thu nhập quốc gia còn được gọi là “sản phẩm nét quốc gia” (đối lập với “sản phẩm thô quốc gia”, viết tắt SPTQG, bao gồm phần vốn bị xuống giá). Ta dùng cụm từ “thu nhập quốc gia”, đơn giản và trực quan hơn. Thu nhập nét đến từ ngoài nước được định nghĩa là hiệu số giữa thu nhập nhận từ ngoài nước và thu nhập chuyển ra ngoài nước. Hai dòng tiền chéo nhau này chủ yếu là thu nhập từ vốn, nhưng cũng có cả thu nhập từ làm việc và tiền chuyển theo một hướng (ví dụ những người di cư chuyển tiền về quê gốc của họ). Xem phụ lục kĩ thuật.
14: Thu nhập toàn cầu được định nghĩa một cách tự nhiên là tổng số của thu nhập quốc gia của tất cả các nước, và sản phẩm toàn cầu là tổng số của sản phẩm trong nước của tất cả các nước.

[sau] [trước] [lên mức trên]