[sau] [trước] [lên mức trên]

Trước tiên, ta cần nói rõ ngay là qui luật cơ bản thứ hai của chủ nghĩa đồng vốn, β = s∕g, chỉ có thể áp dụng được nếu các giả thiết cốt yếu được thỏa mãn. Thứ nhất, đó là một qui luật tới hạn6, nghĩa là chỉ áp dụng được cho giai đoạn dài: nếu một nước đều đặn tiết kiệm một phần s trong tổng thu nhập của mình mãi mãi, và tỉ lệ tăng trưởng thu nhập quốc gia vĩnh viễn bằng g, thì tỉ số vốn/thu nhập của nước đó sẽ tiến ngày càng gần đến β = s∕g, rồi dừng lại ổn định tại mức này. Nhưng việc này không thể xong trong một sáng một chiều: nếu một nước tiết kiệm một phần s trong tổng thu nhập của mình chỉ trong vòng vài năm, thì sẽ không đủ để tỉ số vốn/thu nhập chạm mức β = s∕g.

Ví dụ, nếu ta xuất phát với số vốn bằng 0 và nếu ta tiết kiệm 12% thu nhập quốc gia trong vòng một năm, thì việc đó hiển nhiên là không cho phép tích lũy số vốn tương đương với sáu năm thu nhập. Với tỉ lệ tiết kiệm 12% một năm và xuất phát với số vốn bằng 0, ta cần năm mươi năm để tiết kiệm được số vốn tương đương với sáu năm thu nhập - thế nhưng tỉ số vốn/thu nhập vẫn chưa bằng sáu, bởi vì thu nhập quốc gia chính nó cũng tăng lên nhiều sau nửa thế kỉ, trừ phi ta giả sử rằng tỉ lệ tăng trưởng của nước đó chính xác bằng 0.

Vì vậy nguyên tắc đầu tiên ta nên ghi nhớ là tích lũy tài sản rất mất thời gian: cần nhiều thập kỉ để qui luật β = s∕g đúng trong thực tế. Điều này giúp ta hiểu rõ hơn tại sao cần nhiều thời gian đến thế để các cú sốc những năm 1914-1945 trở nên mờ nhạt đi tại Châu Âu, và tại sao ta phải dùng tầm nhìn lịch sử bao quát trong giai đoạn rất dài để nghiên cứu về các vấn đề này. Trên qui mô cá thể, những gia sản lớn đôi khi được gây dựng rất nhanh. Nhưng trên qui mô toàn thể một nước, những biến động của tỉ số vốn/thu nhập như được miêu tả qua qui luật β = s∕g là những biến động dài hạn.

Đó là điểm khác biệt chủ yếu với qui luật α = r × β mà ta gọi là qui luật cơ bản đầu tiên của chủ nghĩa đồng vốn trong chương đầu. Theo qui luật này, phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia α bằng với tỉ lệ lãi trên vốn trung bình r nhân với tỉ số vốn/thu nhập β. Ta nên nhớ rằng qui luật α = r × β trên thực tế là một đẳng thức thuần túy kế toán, mặc nhiên đúng mọi lúc mọi nơi. Ta cũng có thể xem nó như là định nghĩa của phần thu nhập từ vốn trong thu nhập quốc gia (hay của tỉ lệ lãi trên vốn trung bình, tùy theo số nào dễ đo đạc hơn) hơn là một qui luật. Trái lại qui luật β = s∕g là kết quả của một quá trình động: nó biểu diễn một trạng thái cân bằng mà một nền kinh tế tiết kiệm với tỉ lệ s và tăng trưởng với tỉ lệ g dần tiến sát tới, nhưng trong thực tế không bao giờ chạm hẳn vào trạng thái cân bằng này.

Thứ hai, qui luật β = s∕g chỉ đúng với những dạng vốn mà con người tích lũy được. Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuần túy (nghĩa là các tài nguyên thiên nhiên mà giá trị của nó độc lập với mọi sự cải thiện do con người mang lại và với mọi sự đầu tư được thực hiện trong quá khứ) chiếm phần lớn trong vốn quốc gia, thì hiển nhiên là tỉ số β có thể rất cao mà không cần bất kì đóng góp nào từ tiết kiệm. Ta sẽ trở lại bàn về biên độ thực tế của vốn không tích lũy được trong phần sau của sách.

Cuối cùng, qui luật β = s∕g chỉ đúng nếu giá tài sản tiến triển, về trung bình, gần giống với giá tiêu dùng. Nếu giá bất động sản hoặc phiếu góp vốn tăng lên nhanh hơn nhiều so với các giá khác, tỉ số β giữa giá trị thị trường của vốn quốc gia và dòng thu nhập quốc gia hàng năm có thể cũng rất cao mà không có cần bất cứ tiết kiệm bổ sung nào. Trong giai đoạn ngắn, những biến động giá cả tương đối của các loại tài sản - nghĩa là giá các loại tài sản so với giá tiêu dùng -, dù nó có dạng giá trị thêm hay giá trị bớt, thường mạnh hơn rất nhiều các hiệu ứng khối (nghĩa là hiệu ứng liên quan đến sự tích lũy các khoản tiết kiệm mới). Nhưng trong điều kiện những biến động giá cả bù trừ lẫn nhau trong giai đoạn dài, thì qui luật β = s∕g nhất định đúng về dài hạn, và nó đúng bất kể nước đang xét quyết định tiết kiệm một phần s trong thu nhập quốc gia dưới lí do nào đi nữa.

Ta hãy nhấn mạnh điểm này: qui luật β = s∕g hoàn toàn không phụ thuộc vào lí do tích lũy tài sản của dân cư (hay đôi khi chính phủ) của một nước nhất định. Trên thực tế, người ta tích lũy vốn vì đủ các lí do - ví dụ để tăng tiêu dùng tương lai (hay để tránh việc nó bị giảm đi, nhất là khi sang giai đoạn nghỉ hưu), hoặc để giữ gìn hay gây dựng tài sản cho thế hệ sau, hoặc là để đạt được quyền lực, sự an toàn hoặc uy tín mà tài sản hay được dùng làm đòn bẩy. Nói chung, tất cả các động cơ trên đều cùng hiện diện, nhưng theo những tỉ lệ khác nhau tùy theo từng cá nhân, từng nước và từng thời. Thậm chí chúng thường có mặt cùng lúc trong nội tại mỗi cá nhân, và bản thân những người này cũng không thể tách bạch chúng một cách rõ ràng được. Trong phần ba, ta sẽ quay lại thảo luận về tầm quan trọng của các lí do kể trên và của các cơ chế tích lũy tài sản. Ta sẽ thấy rằng vấn đề này có những hệ quả đáng kể đối với bất bình đẳng trong phân bố tài sản, vai trò của thừa kế trong cấu trúc bất bình đẳng, và rộng hơn là tính chính đáng xã hội, đạo đức và chính trị của sự chênh lệch tài sản. Ngay bây giờ, ta chỉ tìm cách hiểu rõ hơn sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập (trong chừng mực nào đó ta có thể xắn tay nghiên cứu vấn đề này một cách độc lập với vấn đề về phân bố vốn), và điểm mà ta muốn nhấn mạnh là qui luật β = s∕g có thể áp dụng được trong tất cả mọi trường hợp, bất kể nguồn gốc chính xác của tỉ lệ tiết kiệm tại nước đang xét.

Điều này đơn giản đến từ việc tỉ số β = s∕g là tỉ số vốn/thu nhập ổn định duy nhất trong một nước mà tỉ lệ tiết kiệm hàng năm là s và tỉ lệ tăng trưởng thu nhập quốc gia hàng năm là g.

Lập luận đi đến qui luật này là rất sơ đẳng. Ta hãy lấy một ví dụ minh họa. Nếu một nước tiết kiệm hàng năm 12% thu nhập và nếu dự trữ vốn ban đầu bằng sáu năm thu nhập, thì dự trữ vốn sẽ tăng 2% một năm7, nghĩa là bằng đúng nhịp độ tăng trưởng thu nhập quốc gia, do đó tỉ số vốn/thu nhập sẽ ổn định.

Ngược lại, nếu dự trữ vốn thấp hơn sáu năm thu nhập, thì tỉ lệ tiết kiệm bằng 12% thu nhập sẽ làm dự trữ vốn tăng hơn 2% một năm, tức là nhanh hơn thu nhập, do đó tỉ số vốn/thu nhập sẽ tăng lên cho đến khi nó chạm điểm cân bằng.

Đảo lại, nếu dự trữ vốn cao hơn sáu năm thu nhập, thì tỉ lệ tiết kiệm 12% kéo theo việc vốn sẽ tăng ít hơn 2% một năm, do đó tỉ số vốn/thu nhập không thể giữ được ở mức cũ và sẽ bắt đầu giảm về điểm cân bằng.

Trong mọi trường hợp, tỉ số vốn/thu nhập về dài hạn sẽ đi đến mức cân bằng β = s∕g (tùy tình hình có thể cộng thêm các nguồn tài nguyên thiên nhiên thuần túy nữa), tất nhiên với điều kiện là giá tài sản về trung bình sẽ tiến triển giống với giá tiêu dùng trong giai đoạn dài8.

Tóm lại: qui luật β = s∕g không giải thích được những cú sốc ngắn hạn tác động lên tỉ số vốn/thu nhập (cũng như nó không lí giải được nguyên nhân của các cuộc Chiến tranh thế giới hay cuộc khủng hoảng năm 1929 - những sự kiện có thể được xem như là các cú sốc với biên độ cực lớn), nhưng nó cho phép hiểu được đâu là mức cân bằng khả dĩ mà tỉ số vốn/thu nhập sẽ tiến tới trong giai đoạn dài, bỏ lại phía sau các cú sốc và các cuộc khủng hoảng.

6: người dịch. Nguyên bản: asymptotique.
7: 12% thu nhập tương đương với 12/6 = 2% vốn. Tổng quát hơn, nếu tỉ lệ tiết kiệm bằng s và tỉ số vốn/thu nhập bằng β, thì ta suy ra dự trữ vốn sẽ tăng theo tỉ lệ s∕β.
8: Phương trình toán học sơ đẳng miêu tả sự vận động của tỉ số vốn/thu nhập β và sự hội tụ về β = s∕g được trình bày trong phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]