[sau] [trước] [lên mức trên]

Một hạn chế lớn trong các phép tính toán thuộc loại này đến từ nhóm những người lao động không lương: rất khó để tách biệt phần thu nhập từ vốn cho nhóm này.

Tất nhiên là vấn đề nêu trên hiện nay không nghiêm trọng như trong quá khứ, bởi lẽ phần chủ đạo của hoạt động kinh tế ngày nay thường được tổ chức trong khuôn khổ các công ti ẩn tên chủ hay rộng hơn là các công ti có vốn góp, nghĩa là các công ti mà người ta tách biệt rõ ràng giữa tài khoản của doanh nghiệp và của các cá nhân đóng góp vốn (ngoài ra những người này chỉ phải chịu trách nhiệm tối đa là tương ứng với phần vốn góp, chứ không phải là toàn bộ túi tiền cá nhân: đó chính là cuộc cách mạng các “công ti trách nhiệm có hạn”, nở rộ khắp nơi vào cuối thế kỉ 19), và phân biệt rành mạch giữa thu nhập từ làm việc (lương, thưởng, các khoản tiền khác trả cho người đóng góp sức lao động - bao gồm cả các vị trí điều hành) và thu nhập từ vốn (lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, lợi nhuận đầu tư lại để tăng giá trị vốn, v.v).

Tình hình có chút khác biệt đối với các công ti có người đứng tên, đặc biệt là các doanh nghiệp cá nhân: tài khoản của các công ti thuộc loại này đôi khi trùng với tài sản cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp - người vừa là chủ sở hữu vừa là người khai thác doanh nghiệp đó. Hiện nay, khoảng 10% sản lượng trong nước tại các nước giàu được làm ra bởi những người lao động không lương làm việc trong các doanh nghiệp cá nhân; 10% này cũng xấp xỉ bằng với với tỉ lệ số người lao động không lương trong tổng số người trong độ tuổi lao động. Người lao động không lương chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ nhỏ (làm nghề thương mại, thủ công, nhà hàng, v.v) và trong các nghề tự do (bác sĩ, luật sư, v.v). Trong thời gian dài, một số lượng lớn người làm nghề nông cũng thuộc nhóm này, nhưng hiện nay số này đã giảm sút rất nhiều. Trong tài khoản của các doanh nghiệp cá nhân nói trên, nhìn chung không thể tách riêng rẽ phần thu nhập từ vốn và từ làm việc được: ví dụ một bác sĩ chụp X-quang dùng tiền lời vừa để trả công lao động của mình vừa để trả các thiết bị đôi khi rất đắt tiền mà anh này đã mua để hành nghề. Tình hình cũng giống như vậy đối với người kinh doanh nhà nghỉ khách sạn hay người làm nghề nông. Chính vì thế mà người ta đôi khi gọi loại thu nhập trên là “thu nhập pha trộn”: thu nhập của người lao động không lương vừa là thu nhập từ làm việc vừa là thu nhập từ vốn. Ta cũng có thể gọi đó là “thu nhập tự thân”.

Để phân tách thu nhập pha trộn thành thu nhập từ vốn và thu nhập từ làm việc, ta đã giả sử rằng phân chia vốn-làm việc trong loại thu nhập này là giống với phần còn lại của nền kinh tế. Đây là phương án ít tùy tiện nhất, và các kết quả thu được có vẻ sát với hai phương pháp hay được dùng khác3. Nhưng đó chỉ là một phép xấp xỉ, bởi lẽ ngay cả khái niệm về ranh giới giữa thu nhập từ vốn và thu nhập từ làm việc trong các thu nhập pha trộn cũng không định nghĩa được rõ ràng. Tuy vậy, nó cũng không gây nhiều khác biệt lắm cho giai đoạn hiện nay: do thu nhập pha trộn có trọng lượng thấp, sai số trên phần thu nhập từ vốn nhiều nhất chỉ vào khoảng 1% hay 2% thu nhập quốc gia. Đối với các giai đoạn trước đây, nhất là thế kỉ 18 và thế kỉ 19, thời mà thu nhập pha trộn có thể chiếm đến hơn một nửa thu nhập quốc gia, sai số có khả năng lớn hơn rất nhiều4. Chính vì thế ta chỉ nên coi các ước lượng hiện có cho phần thu nhập từ vốn tại thế kỉ 18 và thế kỉ 19 như những phép xấp xỉ5.

Mặc dù vậy, việc thu nhập từ vốn đã đạt mức rất cao trong giai đoạn kể trên (ít nhất 40% thu nhập quốc gia theo các ước lượng ta đã thực hiện) là không thể phủ nhận được: tại Liên hiệp Anh cũng như tại Pháp, chỉ riêng thu nhập từ tiền cho thuê ruộng đất mà các chủ đất nhận được đã chiếm khoảng 20% thu nhập quốc gia tại thế kỉ 18 và đầu thể kỉ 19; và rất có khả năng tỉ lệ lãi trên đất nông nghiệp (khoảng một nửa vốn quốc gia) ở mức thấp hơn chút so với tỉ lệ lãi trên vốn trung bình và thấp hơn hẳn so với tỉ lệ lãi trên vốn công nghiệp (lợi nhuận công nghiệp thời đó rất cao, đặc biệt là nửa đầu thế kỉ 19). Nhưng xét đến sự không hoàn thiện của các số liệu hiện có, ta nên đưa ra một khoảng - thu nhập từ vốn chiếm từ 35% đến 45% thu nhập quốc gia - thì hơn là một con số duy nhất.

Đối với thế kỉ 18 và thế kỉ 19, các ước lượng về giá trị dự trữ vốn có vẻ chính xác hơn các ước lượng về dòng tiền thu nhập từ làm việc và từ vốn. Nói chung tình hình hiện nay cũng vẫn như vậy. Chính vì thế trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu này chúng tôi đã quyết định nhấn mạnh đến tiến trình của tỉ số vốn/thu nhập, chứ không phải đến sự phân chia vốn-làm việc như đã từng được thực hiện một cách phổ biến trong ngành nghiên cứu kinh tế học.

3: Ta có thể gán cho người lao động không lương cùng một thu nhập trung bình như người lao động có lương; hoặc có thể gán cho vốn nghề nghiệp được người lao động không lương dùng một tỉ lệ lãi bằng với tỉ lệ lãi trung bình trên các dạng vốn khác. Xem phụ lục kĩ thuật.
4: Tại các nước giàu, phần đóng góp của các doanh nghiệp cá nhân đã xuống từ khoảng 30%-40% tổng sản phẩm trong nước trong những năm 1950-1960 (có thể vượt quá 50% tại thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20) còn khoảng 10% trong những năm 1980-1990 (điều này chủ yếu phản ánh sự giảm sút của phần đóng góp từ nông nghiệp), rồi kể từ đó ổn định quanh mức này (đôi lúc lên nhẹ quanh mức 12%-15%, tùy theo lợi thế hoặc bất lợi trong chính sách thuế vào từng thời điểm). Xem phụ lục kĩ thuật.
5: Các dãy số trình bày trong các biểu đồ G6.1-G6.2 đã được xác lập dựa trên các công trình của Robert Alleen cho nước Anh và các công trình của tôi cho nước Pháp. Tất cả các chi tiết về nguồn gốc và phương pháp xử lí số liệu được đăng trên mạng trong phần phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]