[sau] [trước] [lên mức trên]

Cũng với những lí do như trên, ta hãy cảnh giác với việc dùng các chỉ số ví dụ như tỉ số giữa các đường chia mười, rất hay được OECD35 và các viện thống kê tại các nước khác nhau sử dụng trong các báo cáo chính thức dành cho bất bình đẳng. Tỉ số giữa các đường chia mười hay được dùng nhất là tỉ số P90/P10, nghĩa là tỉ số giữa ngưỡng thu nhập ứng với đường chia một trăm thứ 90 và ngưỡng ứng với đường chia một trăm thứ 1036. Ví dụ, nếu phải qua ngưỡng 5000 euro một tháng để được vào nhóm 10% những người giàu nhất, và phải dưới ngưỡng 1000 euro để vào nhóm 10% những người nghèo nhất, thì ta nói rằng tỉ số giữa các đường chia mười P90/P10 là bằng 5.

Các chỉ số như vậy có thể có ích: bất cứ thông tin thêm nào về hình dáng đầy đủ của phân phối đáng xét đều rất quí giá. Nhưng ta nên nhớ rằng, theo định nghĩa, các chỉ số này hoàn toàn bỏ qua sự tiến triển ở phía trên đường chia một trăm thứ 90. Cụ thể, với cùng một tỉ số P90/P10, có khi phần sở hữu của đường chia mười phía trên trong tổng thu nhập hay tài sản là 20% (như tiền lương tại các nước Scandinavia những năm 1970-1980), có khi là 50% (như thu nhập tại Mĩ những năm 2010), hay cũng có khi là 90% (như tài sản tại Châu Âu vào Thời Tươi đẹp). Bất kể trường hợp nào, ta cũng hoàn toàn mù tịt thông tin khi tham khảo tài liệu của các tổ chức quốc tế và các viện thống kê chính thức: họ thường chỉ tập trung vào các chỉ số bỏ qua một cách cố ý phần trên cao của phân phối thu nhập, và không mang lại bất kì chỉ dẫn nào về thu nhập và tài sản trung bình ở phía trên của đường chia một trăm thứ 90.

Nói chung nó hay được biện minh là do những “khiếm khuyết” của số liệu hiện có. Đúng là có những khó khăn đó, nhưng ta vẫn có thể vượt qua được, miễn là ta dùng các nguồn số liệu thích đáng, chẳng hạn như các số liệu lịch sử được tập hợp - với kinh phí hạn chế - trong World Top Incomes Database (WTID) (chúng đã bắt đầu làm thay đổi - dù chậm - cách thức mọi người làm việc). Thật ra, sự lựa chọn phương pháp như trên của các cơ quan hành chính công cộng quốc gia và quốc tế còn khuya mới trung tính hoàn toàn: các báo cáo chính thức này đóng vai trò cung cấp thông tin về phân phối bất bình đẳng cho các cuộc tranh luận công chúng, thế mà trong thực tế, chúng lại trình bày về bất bình đẳng một cách quá nhẹ nhàng và nhân tạo. Để so sánh, ta có thể tưởng tượng kiểu như một báo cáo chính thức nào đó của chính phủ về bất bình đẳng tại Pháp năm 1789 đã quyết định bỏ qua hoàn toàn tất cả những gì xảy ra phía trên đường chia một trăm thứ 90 (tương đương một nhóm xã hội đông đảo hơn gấp từ năm đến sáu lần so với toàn bộ giới cầm quyền thời đó), với lí do là nó quá phức tạp để bàn tới. Càng đáng tiếc hơn khi một cách tiếp cận bưng bít như thế chỉ giúp các điều hoang tưởng cực đoan nhất phát triển; góp phần gây ra sự mất tin tưởng của mọi người đối với môn thống kê và các nhà thống kê học, và càng ngày càng khiến tình hình nặng nề thêm chứ không dịu đi chút nào.

Ngoài ra, vì một số lí do khá nhân tạo, tỉ số giữa các đường chia mười đôi khi có giá trị cực lớn. Ví dụ, đối với phân phối sở hữu vốn, 50% những gia sản thấp nhất xét toàn thể nói chung là gần 0. Với cùng một thực tế xã hội, tùy theo cách mà ta đo lường các gia sản nhỏ - ví dụ ta có tính các đồ dùng lâu dài và nợ hay không -, ta có thể thu được những đánh giá thoạt nhìn là rất khác nhau cho mức tài sản chính xác của đường chia một trăm thứ 10: ta có thể thu được 100 euro, 1000 euro hay 10000 euro. Các số này về bản chất là không khác nhau lắm, nhưng có thể dẫn đến các tỉ số giữa các đường chia mười khác nhau rất xa theo từng nước và từng thời, trong khi phần sở hữu của nửa dân số phía dưới trong mọi trường hợp đều dưới 5% tổng tài sản. Tình hình cũng giống như thế đối với thu nhập từ làm việc, nhưng nhẹ hơn chút đỉnh: tùy theo phương pháp xử lí các thu nhập thay thế và các khoảng thời gian làm việc ngắn (ví dụ, tùy vào ta tính trung bình thu nhập từ làm việc theo tuần, theo tháng, theo năm hay theo mười năm), ta có thể thu được các ngưỡng P10 (và kéo theo đó là các tỉ số giữa các đường chia mười) cực kì khác nhau, mặc dù phần thu nhập của 50% những người thu nhập ít nhất trong tổng thể thật ra là tương đối ổn định37.

Đó có lẽ là một trong các yếu tố chính giải thích tại sao ta nên phân tích các phân phối như ta đã làm trong các bảng T.7.1-T.7.3, nghĩa là nhấn mạnh vào phần sở hữu của các nhóm khác nhau (đặc biệt là nửa dưới và đường chia mười phía trên trong từng xã hội) trong tổng thu nhập và tài sản, hơn là nhấn mạnh vào các ngưỡng. Phần sở hữu đưa đến các thực trạng ổn định hơn rất nhiều so với tỉ số giữa các ngưỡng.

35: người dịch. Nguyên bản: OCDE. Viết tắt của: Organisation de coopération et de développement économiques. Tạm dịch: Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế.
36: Người ta cũng sử dụng các tỉ số P90/P50, P50/P10, P75/P25, v.v. (P50 ứng với đường chia một trăm thứ 50, nghĩa là đường vị trí giữa, P25 và P75 ứng với đường chia một trăm thứ 25 và thứ 75).
37: Cũng giống như vậy, đo lường bất bình đẳng trên qui mô cá thể so với trên qui mô hộ gia đình có thể dẫn đến các khác biệt hay biến động rất lớn đối với các tỉ số giữa các đường chia mười kiểu P90/P10 (một trong các lí do là số lượng đôi khi khá cao của phụ nữ nội trợ ở nhà). Nếu ta so sánh các khác biệt kể trên với các khác biệt giữa đo lường trên qui mô cá thể so với qui mô hộ gia đình cho nửa dân số phía dưới trong tổng thu nhập, ta thấy rằng các khác biệt của các đường chia mười kiểu P90/P10 là lớn hơn. Xem phụ lục kĩ thuật.

[sau] [trước] [lên mức trên]