[sau] [trước] [lên mức trên]

Ta hãy xuôi theo dòng thời gian và theo tiến trình của bất bình đẳng tại Pháp trong thế kỉ vừa qua. Từ năm 1914 đến năm 1945, phần thu nhập của đường chia một trăm phía trên của thứ bậc thu nhập đã rớt xuống một cách gần như liên tục, đi từ hơn 20% năm 1914 xuống dần dần còn đúng 7% năm 1945 (xem biểu đồ G8.2). Sự sụt giảm liên tục này phản ánh chuỗi các biến cố dài (gần như không gián đoạn) mà vốn và thu nhập từ vốn phải chịu đựng trong giai đoạn này. Ngược lại, sự giảm sút của phần thu nhập của đường chia mười phía trên trong thứ bậc thu nhập là kém đều đặn hơn rất nhiều: cú giảm sút đầu tiên hình như đã xảy ra trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng sau đó nó tăng lại một cách không đều đặn trong những năm 1920, và nhất là cú tăng rất rõ rệt - thoạt nhìn rất đáng kinh ngạc - từ năm 1929 đến năm 1935, trước khi nhường chỗ cho sự giảm sút mạnh vào năm 1936-1938 rồi sụp đổ hẳn trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai20. Kết quả là, phần thu nhập của đường chia mười phía trên, đạt mức hơn 45% năm 1914, đã rơi xuống dưới 30% thu nhập quốc gia năm 1944-1945.

Nếu ta xét toàn bộ giai đoạn 1914-1945, thì hai cú giảm sút nói trên là hoàn toàn hợp lí: theo các ước lượng của chúng tôi, phần thu nhập của đường chia mười phía trên đã giảm gần 18 điểm, trong đó gần 14 điểm đối với đường chia một trăm phía trên21. Nói cách khác, nhóm “1%” riêng họ chịu khoảng ba phần tư của toàn bộ sự giảm sút bất bình đẳng từ năm 1914 đến năm 1945, và nhóm “9%” chịu khoảng một phần tư. Việc này không có gì ngạc nhiên cả, nếu ta xét tới sự tập trung vốn cực độ trong nội bộ nhóm “1%”, và thêm nữa là nhóm này thường giữ các khoản đầu tư rủi ro hơn (ta sẽ trở lại sau).

Ngược lại, những biến động trong nội bộ giai đoạn đó thoạt nhìn lại có vẻ đáng ngạc nhiên hơn: làm sao mà phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên đã tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng năm 1929, hay ít ra là đến tận năm 1935, trong khi đó phần thu nhập của nhóm đường chia một trăm phía trên lại rớt xuống, nhất là từ năm 1929 đến năm 1932?

Thật ra, nếu chúng ta quan sát mọi việc kĩ lưỡng hơn và theo từng năm một, các khác biệt trên đều có thể được giải thích hoàn toàn rõ ràng, và tổng hợp lại chúng cho phép xem xét toàn bộ giai đoạn hỗn loạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, cũng như các căng thẳng chính trị rất cao giữa các nhóm xã hội tương ứng. Để hiểu rõ các việc trên, ta nên nhớ rằng nhóm “9%” và nhóm “1%” không sống bằng cùng một mức thu nhập. Nhóm “1%” trước hết sống bằng thu nhập đến từ tài sản của họ, đặc biệt là tiền lãi và lợi nhuận trên vốn góp họ được lĩnh từ các doanh nghiệp mà họ sở hữu giấy ghi nợ và phiếu góp vốn: vì vậy rất tự nhiên là phần thu nhập của nhóm đường chia một trăm phía trên bị giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng năm 1929 - cuộc khủng hoảng được đánh dấu bằng sự sụp đổ của hoạt động kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm và phá sản dây chuyền hàng loạt.

Ngược lại, nhóm “9%” là giới quản lí, trong thực tế là giới được hưởng lợi lớn (một cách tương đối so với các giới khác) từ cuộc khủng hoảng những năm 1930. Thật vậy, họ bị thất nghiệp ảnh hưởng ít hơn rất nhiều so với những người đi làm lĩnh lương khiêm tốn hơn họ (nói riêng họ không phải chịu đựng tình trạng thất nghiệp khổng lồ quét qua giới công nhân trong khu vực kinh tế công nghiệp), và họ cũng bị ảnh hưởng ít hơn từ sự sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp so với những người có thu nhập cao hơn họ. Trong nhóm xã hội “9%” này, công chức và giáo viên gặp vận rất tốt: họ vừa được hưởng lợi từ làn sóng điều chỉnh lương công chức rất lớn năm 1927-1931 (phải thông cảm rằng họ trước đó đã phải chịu nhiều khổ sở trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và tình trạng phồng giá cả đầu những năm 1920, nhất là những người có thu nhập ở thứ bậc cao); và họ hoàn toàn miễn nhiễm với nguy cơ thất nghiệp, kết quả là khối lượng tiền lương danh nghĩa của khu vực kinh tế công cộng được giữ nguyên cho đến tận năm 1933 (và chỉ giảm nhẹ vào năm 1934-1935, thời điểm nghị định-luật Laval nổi tiếng được áp dụng nhằm giảm bớt tiền lương công chức), trong khi đó tổng khối lượng tiền lương của khu vực kinh tế tư nhân giảm hơn 50% từ năm 1929 đến năm 1935. Sự xẹp giá cả hoành hành lúc đó tại Pháp (giá cả rớt xuống tất cả là 25% từ năm 1929 đến năm 1935, trong hoàn cảnh trao đổi hàng hóa và sản xuất sụp đổ) đã đóng vai trò trung tâm trong quá trình này: những người may mắn giữ được việc và tiền lương danh nghĩa của mình - tiêu biểu là giới công chức - thấy sức mua và tiền lương thực của mình tăng lên ngay giữa thời khủng hoảng nhờ vào sự sụt giảm của giá cả. Nói thêm là thu nhập từ vốn của nhóm “9%” - tiêu biểu là từ tiền thuê nhà: loại thu nhập rất ít biến động xét theo giá trị danh nghĩa - cũng được hưởng lợi từ sự xẹp giá cả và có giá trị thực tăng lên đáng kể, trong khi lợi nhuận trên vốn góp trả cho nhóm “1%” đổ sụp.

Do tất cả các lí do dó, phần thu nhập của nhóm “9%” trong thu nhập quốc gia tăng rất mạnh tại Pháp từ năm 1929 đến năm 1935, mạnh hơn rất nhiều sự giảm sút của nhóm “1%”, đến độ mà phần thu nhập của nhóm đường chia mười phía trên tính toàn thể đã tăng lên hơn 5 điểm trong thu nhập quốc gia (xem biểu đồ G8.1-G8.2). Quá trình này bắt đầu đảo ngược hoàn toàn với việc Mặt trận bình dân lên nắm quyền, lương công nhân tăng rất mạnh nhờ hiệp ước Matignon, và đồng franc giảm giá vào tháng 9 năm 1936. Chúng khởi động lại phồng giá cả và dẫn đến sự sụt giảm của phần thu nhập của nhóm “9%” và của nhóm đường chia mười phía trên vào năm 1936-193822.

Qua đó ta thấy cái hay của việc phân tích tỉ mỉ bất bình đẳng thu nhập theo các đường chia một trăm và theo các loại thu nhập. Nếu ta muốn phân tích sự vận động trong giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới mà chỉ dùng một chỉ số tổng hợp về bất bình đẳng chẳng hạn như hệ số Gini, ta sẽ không thể nào hiểu được bất cứ việc gì cả: chúng ta sẽ không thể tách biệt được những gì thuộc về thu nhập từ làm việc hay từ vốn, và những gì liên quan đến các tiến trình ngắn hạn hay dài hạn. Trong trường hợp đang xét, sự phức tạp của giai đoạn 1914-1945 là ở chỗ, đan xen vào một đường nét chung tương đối rõ ràng (phần thu nhập của đường chia mười phía trên sụt giảm mạnh từ năm 1914 đến năm 1945 - bị kéo xuống bởi sự sụp đổ của phần thu nhập của đường chia một trăm phía trên) là những đường nét phụ gồm rất nhiều các đảo lộn mâu thuẫn, trong vòng những năm 1920 cũng như những năm 1930. Rất hay là ta sẽ gặp cùng một sự phức tạp như trên tại tất cả các nước khác trong giai đoạn giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, với các điểm chuyên biệt ứng với lịch sử riêng của từng nước. Ví dụ, tại Mĩ, sự xẹp giá cả kết thúc năm 1933 với việc Roosevelt lên nắm quyền, do đó sự đảo ngược của quá trình vừa miêu tả ở trên đã xảy ra vào năm 1933 chứ không phải năm 1936. Lịch sử bất bình đẳng tại tất cả các nước là một lịch sử hỗn loạn và đầy tính chính trị.

20: Các cơ quan thuế tại Pháp, trong tất cả các năm Chiến tranh thế giới thứ hai, vẫn tiến hành như bình thường công việc thu thập các bản kê khai thu nhập, kiểm kê số liệu và soạn thảo các bảng thống kê từ các số liệu đó: thậm chí đó còn là thời kì hoàng kim của ngành sắp xếp kiểm kê bằng máy (người ta vừa mới phát minh ra kĩ thuật sắp xếp tự động bằng các tấm bìa đục lỗ; điều này giúp thực hiện rất nhanh chóng tất cả các loại bảng đối chiếu chéo, trong khi trước đây việc kiểm kê số liệu như vậy được thực hiện thủ công), đến độ mà các tài liệu thống kê do Bộ tài chính xuất bản chưa bao giờ phong phú và chi tiết bằng các năm đó.
21: Phần thu nhập của đường chia mười phía trên giảm từ 47% xuống 29% thu nhập quốc gia, và phần thu nhập của đường chia một trăm phía trên giảm từ 21% xuống 7%. Tất cả các dãy số chi tiết được đăng trên mạng.
22: Để biết thêm các phân tích chi tiết về các tiến trình này theo từng năm một, xem T.Piketty, Các thu nhập cao tại Pháp vào thế kỉ 20, sách đã dẫn, chú ý chương 2-3, trang 93-229.

[sau] [trước] [lên mức trên]