[sau] [trước] [lên mức trên]

Điểm thứ ba xứng đáng được nói đến là các tỉ lệ lãi trung bình trình bày trong biểu đồ G6.3-G6.4 nhất định phải được xem như là các tỉ lệ lãi thực. Nói cách khác, sẽ là sai nếu ta lấy các tỉ lệ lãi đó trừ đi tỉ lệ phồng giá cả - cỡ 1%-2% một năm tại các nước giàu hiện nay.

Lí do rất đơn giản và vừa được nhắc tới: số lượng rất lớn các tài sản do hộ gia đình nắm giữ là những tài sản “thực” (nghĩa là những tài sản liên hệ trực tiếp với một hoạt động kinh tế thực, ví dụ như bất động sản nhà ở hay phiếu góp vốn, mà giá cả của chúng biến đổi theo sự tiến triển của hoạt động kinh tế đó) chứ không phải là những tài sản “danh nghĩa” (tức là giá của chúng được cố định vào giá trị danh nghĩa ban đầu, ví dụ như tiền để trong tài khoản thông dụng, sổ tiết kiệm, hay giấy ghi nợ Kho bạc không bám theo chỉ số phồng giá cả).

Đặc tính của các tài sản danh nghĩa là nó chịu rủi ro phồng giá cả rất lớn: khi ta để 10000 euro trong tài khoản thông dụng, sổ tiết kiệm hay giấy ghi nợ công cộng hoặc cá nhân không bám theo chỉ số phồng giá cả, thì khoản tiền này luôn có giá trị 10000 euro mười năm sau, ngay cả khi trong thời gian đó giá tiêu dùng đã tăng lên gấp đôi. Trong trường hợp này, ta thấy rằng giá trị thực của khoản tiền đó đã giảm đi một nửa: so với khoản tiền gửi ban đầu, giờ ta chỉ mua được một nửa số hàng hóa và dịch vụ. Nó tương ứng với một tỉ lệ lãi âm 50% (-50%) trong vòng mười năm - tỉ lệ này có thể được bù lại bởi các khoản tiền lãi thu được trong giai đoạn đó, cũng có thể không. Nói chung, trong các giai đoạn tăng giá mạnh, tỉ lệ lãi “danh nghĩa” (tức là trước khi trừ đi phồng giá cả) hay lên rất cao, và thường cao hơn tỉ lệ phồng giá cả. Nhưng tất cả phụ thuộc vào thời điểm mà khoản tiền đó được gửi, vào các tiên đoán về phồng giá cả của mọi người lúc đó, v.v.: tùy từng trường hợp, tỉ lệ lãi “thực” (tức là tỉ lệ lãi thực sự thu được, sau khi trừ đi tỉ lệ phồng giá cả) có thể rất âm hoặc rất dương11. Nhưng trong mọi trường hợp, ta phải trừ đi sự phồng giá cả để biết được tỉ lệ lãi thực của một tài sản danh nghĩa.

Tình hình hoàn toàn khác đối với các tài sản thực. Giá bất động sản cũng như giá phiếu góp vốn, phần sở hữu doanh nghiệp hay các đầu tư tài chính đa dạng hoặc quĩ đầu tư chứng khoán chung nhìn chung tiến triển ít nhất là nhanh bằng chỉ số giá tiêu dùng. Nói cách khác, không những ta không được trừ đi phồng giá cả trong tiền thuê nhà hay lợi nhuận trên vốn góp hàng năm, mà thường phải cộng vào đó phần giá trị thêm nếu ta bán lại tài sản đang xét (hay thi thoảng phải trừ đi giá trị bớt). Thế mà các tài sản thực này lại chiếm phần đáng kể hơn rất nhiều so với các tài sản danh nghĩa: hơn ba phần tư tổng tài sản do các hộ gia đình sở hữu, thậm chí đôi khi đến chín phần mười12.

Lúc ta nghiên cứu về sự tích lũy vốn trong chương trước, ta đã kết luận là các hiệu ứng khác nhau này có xu hướng bù trừ lẫn nhau trong giai đoạn dài. Cụ thể, nếu ta tính toàn bộ tài sản, thì về trung bình, trên toàn bộ giai đoạn 1910-2010, giá tài sản có vẻ như tăng lên theo cùng một nhịp độ với chỉ số giá tiêu dùng, ít nhất là theo các xấp xỉ ban đầu. Giá trị thêm hay giá trị bớt dĩ nhiên có thể là rất lớn đối với loại tài sản này hay tài sản khác (trong đó các tài sản danh nghĩa một cách cấu trúc sinh ra giá trị bớt, được bù lại bởi các giá trị thêm từ các tài sản thực), và biến động rất nhiều tùy vào từng giai đoạn: giá cả tương đối của vốn đã giảm mạnh trong những năm 1910-1950, trước khi có khuynh hướng tăng lên trong những năm 1950-2010. Trong thực tế như vậy, cách tiếp cận có lí nhất là xem các tỉ lệ lãi trung bình trên vốn được trình bày trong biểu đồ G6.3-G6.4 (xin nhắc lại là chúng được tính bằng cách chia dòng thu nhập từ vốn hàng năm (tiền thuê nhà, lợi nhuận trên vốn góp, tiền lãi, lợi nhuận, v.v) cho dự trữ vốn, tức là không tính đến các giá trị thêm hay giá trị bớt) là một ước lượng tốt cho tỉ lệ lãi trung bình trên vốn trong giai đoạn dài13. Tất nhiên, khi xem xét một tài sản cụ thể, ta vẫn phải cộng thêm phần giá trị thêm và trừ đi phần giá trị bớt (chẳng hạn trừ đi phồng giá cả đối với tài sản danh nghĩa). Nhưng sẽ là không có lí lắm khi ta lấy toàn bộ lãi trên vốn trừ đi phồng giá cả, mà không cộng vào đó các giá trị thêm - theo trung bình thừa sức cân bằng lại các hiệu ứng phồng giá cả.

Xin bạn đọc đừng hiểu sai: ở đây ta hiển nhiên không phủ nhận rằng phồng giá cả có thể có những hiệu ứng thực sự lên tài sản, tiền lãi và sự phân bố của chúng. Nói đúng hơn, phồng giá cả gây ra những hiệu ứng phân phối lại trong toàn bộ khối tài sản nhiều hơn là các hiệu ứng có tính cấu trúc dài hạn. Ví dụ, ta đã thấy rằng phồng giá cả đóng vai trò chính trong việc giảm giá trị nợ công cộng tại các nước giàu sau các cuộc Chiến tranh thế giới tại thế kỉ 20 về mức cực kì thấp. Nhưng một khi phồng giá cả giữ mức cao trong giai đoạn kéo dài, mọi người sẽ tìm cách tự bảo vệ bằng cách đầu tư vào các tài sản thực. Mà ta luôn có cảm tưởng rằng các gia sản lớn nhất thường đa dạng nhất và bám sát chỉ số thị trường nhất, và các tài sản khiêm tốn - tiêu biểu là các tài khoản thông dụng và sổ tiết kiệm - thường bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dĩ nhiên ta có thể bảo vệ ý kiến theo đó sự chuyển từ phồng giá cả gần như bằng 0 tại thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 sang phồng giá cả ở mức 2% vào cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 đã dẫn đến việc tỉ lệ lãi thuần túy trên vốn bị giảm nhẹ, tức là trong chế độ phồng giá cả gần như bằng 0, làm người cho thuê tài sản thật đơn giản (tài sản đến từ quá khứ không hề có nguy cơ bị phồng giá cả gậm nhấm), trong khi đó ngày nay ta cần phải bỏ nhiều thời gian hơn để phân bổ lại tài sản, hay chí ít là để suy nghĩ xem đâu là chiến lược đặt tiền khôn ngoan. Nhưng một lần nữa không chắc là các gia sản lớn nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Cũng như không có gì bảo đảm rằng cơ chế kinh tế trên là cơ chế thích hợp nhất để giảm thiểu các gia sản lớn. Ta sẽ quay lại bàn về vấn đề rất chính yếu này trong các phần tiếp theo của sách (trong phần tới ta sẽ xem xét cách thức theo đó tiền lãi mà từng người thu được biến đổi theo độ lớn tài sản, và trong phần tiếp sau ta sẽ nghiên cứu và so sánh các thể chế và các chính sách công cộng có khả năng gây ảnh hưởng lên sự phân bố của cải, đầu tiên là các chính sách thuế và phồng giá cả). Ngay lúc này ta hãy nhớ đơn giản rằng phồng giá cả trước hết đóng vai trò phân phối lại trong nội bộ những người sở hữu tài sản - vai trò có lúc cần thiết, có lúc không -; và ảnh hưởng nếu có của phồng giá cả lên tỉ lệ lãi trung bình trên vốn trong mọi trường hợp là tương đối hạn chế, và thấp hơn hẳn ảnh hưởng danh nghĩa thoạt nhìn14.

11: Ví dụ, nếu tỉ lệ lãi danh nghĩa 5%, tỉ lệ phồng giá cả 10%, thì tỉ lệ lãi thực là -5%; trong khi đó nếu tỉ lệ lãi danh nghĩa là 15%, tỉ lệ phồng giá cả 5%, thì tỉ lệ lãi thực là +10%.
12: Bất động sản riêng nó đã chiếm khoảng một nửa tổng tài sản; và trong nội bộ sở hữu tài chính, tài sản thực nhìn chung chiếm hơn một nửa (thậm chí đến hơn ba phần tư). Xem phụ lục kĩ thuật.
13: Tuy nhiên, như đã giải thích trong chương trước, cách tiếp cận này đã gộp phần giá trị thêm có tính cấu trúc vào trong tỉ lệ lãi. Phần giá trị thêm này ứng với việc đem vốn hóa phần tiền lời không phân phối vào giá trị của phiếu góp vốn, và nó là một thành phần quan trọng trong tiền lãi trên phiếu góp vốn trong giai đoạn dài.
14: Nói cách khác, việc tỉ lệ phồng giá cả chuyển từ 0% lên 2% trong một nền kinh tế mà tỉ lệ lãi trên vốn ban đầu là 4% chắc chắn không tương đương với mức thuế 50% đánh trên tiền lãi trên vốn, rất đơn giản là vì giá bất động sản và chứng khoán cũng sẽ tăng ngay 2% một năm, và chỉ có phần rất nhỏ các tài sản do các hộ gia đình sở hữu - đại thể là tiền trong két hay trong tài khoản và một phần tài sản danh nghĩa - sẽ phải trả thuế phồng giá này. Ta sẽ quay lại vấn đề này trong phần thứ ba của sách trong chương 12.

[sau] [trước] [lên mức trên]