[sau] [trước] [lên mức trên]

Bất bình đẳng thu nhập từ làm việc đôi lúc được xem (ngộ nhận) như một bất bình đẳng vừa phải và nhẹ nhàng, đặc biệt là khi so sánh với phân phối sở hữu vốn: tại tất cả các nước phân phối sở hữu vốn đều bộc lộ các bất bình đẳng cao cực độ (xem bảng T.7.2).

Trong các xã hội bình đẳng nhất về mặt tài sản, một lần nữa lại là các nước Scandinavia trong những năm 1970-1980, 10% gia tài lớn nhất mình nó đã chiếm khoảng 50% tổng tài sản quốc gia, thậm chí hơn thế một chút - từ 50% đến 60% - nếu ta tính đúng các gia sản kếch xù nhất. Hiện nay, vào đầu những năm 2010, 10% gia tài lớn nhất chiếm xung quanh mức 60% tổng tài sản quốc gia tại phần lớn các Châu Âu, đặc biệt là Pháp, Đức, Liên hiệp Anh và Ý.

Choáng nhất là trong tất cả các xã hội, một nửa dân số nghèo nhất gần như không sở hữu gì cả: 50% những người nghèo nhất về mặt tài sản luôn sở hữu ít hơn 10% tổng tài sản quốc gia, và nhìn chung là dưới 5%. Tại Pháp, theo các số liệu mới nhất cho năm 2010-1011, phần sở hữu của 10% những người giàu nhất đạt 62% tổng tài sản, và phần của 50% những người nghèo nhất chỉ có 4%. Tại Mĩ, cuộc điều tra gần đây nhất do Federal Reserve18 tiến hành, cũng cho năm 2010-2011, chỉ ra rằng nhóm đường chia mười phía trên sở hữu 72% tổng tài sản của Mĩ, và nửa dưới vỏn vẹn 2%. Cần nói rõ rằng, nguồn số liệu trên, cũng như phần lớn các cuộc điều tra dựa trên kê khai tài sản, đã ước lượng thấp hơn thực tế các gia sản kếch xù nhất19. Như đã nhắc tới trong phần trước, ta cũng gặp sự tập trung tài sản rất cao này trong nội bộ từng nhóm tuổi20.

Tóm lại, bất bình đẳng tài sản tại các nước bình đẳng nhất về mặt tài sản - ví dụ các nước Scandinavia trong những năm 1970-1980 - là mạnh hơn hẳn bất bình đẳng tiền lương tại các nước bất bình đẳng nhất về mặt tiền lương - ví dụ nước Mĩ đầu những năm 2010 (xem bảng T.7.1-T.7.2). Theo hiểu biết của tôi, không tồn tại bất cứ xã hội ở bất cứ thời kì nào, mà phân phối sở hữu vốn có thể được xem một cách phải chăng là bất bình đẳng “yếu”, nghĩa là một phân phối mà nửa dân số nghèo nhất sở hữu một phần đáng kể (ví dụ một phần năm hoặc phần tư) tổng tài sản21. Tuy nhiên không ai cấm ta lạc quan cả, vì lẽ đó chúng tôi đã trình bày trong bảng T.7.2 ví dụ ảo về một phân phối tài sản khả dĩ theo đó bất bình đẳng sẽ là “yếu”, hay ít ra là yếu hơn so với các phân phối Scandinavia (bất bình đẳng được gọi là “trung bình”), Châu Âu (“trung bình-mạnh”) và Mĩ (“mạnh”). Tất nhiên, ta hoàn toàn chưa biết gì về các qui trình để hiện thực hóa - giả sử rằng đó đúng là mục tiêu ta mong muốn - một “xã hội lí tưởng” như vậy (ta sẽ trở lại vấn đề trung tâm này trong phần thứ tư22).

Giống với bất bình đẳng tiền lương, ta nên hiểu rõ những con số nói trên tương ứng với điều gì. Hãy tưởng tượng một xã hội mà tài sản nét trung bình là 200000 euro một người trưởng thành23, tức là tương đương xấp xỉ với mức hiện nay tại các nước Châu Âu giàu nhất24. Ta cũng thấy trong phần thứ hai rằng, xấp xỉ mà nói, tài sản cá nhân trung bình được chia thành hai nửa có kích cỡ tương đồng: một bên là bất động sản và bên kia là tài sản tài chính và nghề nghiệp (tiền gửi ngân hàng, sổ tiết kiệm, danh mục phiếu góp vốn và giấy ghi nợ, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quĩ lương hưu v.v, trừ đi nợ); tất nhiên có dao động lớn giữa các nước, và rất lớn giữa các cá thể.

Nếu 50% những người nghèo nhất giữ 5% tổng tài sản, thì nghĩa là về trung bình họ sở hữu tương đương với 10% tài sản trung bình hiện hành trong toàn thể xã hội. Trong ví dụ ta đã chọn, 50% những người nghèo nhất sở hữu về trung bình một khối tài sản nét có giá trị 20000 euro, cũng không hoàn toàn là không đáng giá gì, nhưng không đáng là bao so với của cải được phần còn lại của nước đó sở hữu.

Cụ thể, trong một xã hội như vậy, một nửa dân số nghèo nhất nhìn chung bao gồm một số lượng những người có tài sản bằng 0 hoặc gần bằng 0 (vài nghìn euro) - cỡ khoảng một phần tư dân số - và một số lượng không nhỏ những người có tài sản âm nhẹ (khi nợ vượt quá tài sản) - thường từ một phần hai mươi đến một phần mười dân số. Sau đấy đến những người có tài sản chạm mức khoảng 60000 euro - 70000 euro, hoặc hơn một chút. Các tình trạng đa dạng trên và sự tồn tại của một số lượng lớn những người có tài sản tuyệt đối gần 0 dẫn đến kết quả là mức tài sản trung bình của một nửa dân số nghèo nhất đạt khoảng 20000 euro. Trong một số trường hợp, đó có thể là những người đang trong quá trình mon men tiến tới sở hữu bất động sản, nhưng vẫn còn đang nợ rất nhiều, do đó tài sản nét rất thấp. Nhưng thông thường đó là những người đi thuê nhà mà tài sản chỉ giới hạn ở mức vài nghìn hoặc vài chục nghìn euro tiền tiết kiệm - để trong tài khoản ngân hàng hoặc sổ tiết kiệm. Nếu ta tính các đồ dùng lâu dài mà những người này sở hữu (ô tô, đồ đạc, thiết bị gia dụng, v.v) vào tài sản, thì tài sản trung bình của 50% những người nghèo nhất lên được 30000-40000 euro là kịch kim25.

Đối với một nửa dân số nói trên, ngay cả khái niệm tài sản và vốn đã là tương đối trừu tượng. Đối với hàng triệu người, tài sản chỉ vỏn vẹn là vài tháng lương có trước (hoặc có sau) trong tài khoản thông dụng, một sổ tiết kiệm loại A mỏng tang do một bà dì mở giúp, một chiếc xe và vài món đồ đạc. Thực tế sâu sắc này - tài sản được tập trung đến mức mà một số lượng người không nhỏ trong xã hội hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của nó, và đôi khi mường tượng rằng nó được sở hữu bởi những người không thực hoặc các sinh thể huyền bí - càng làm cho việc nghiên cứu có tính phương pháp và hệ thống về vốn và sự phân bố vốn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Ở đầu kia của nấc thang tài sản, nếu 10% những người giàu nhất giữ 60% tổng tài sản, thì nó sẽ tự động kéo theo rằng họ sở hữu về trung bình gấp sáu lần mức tài sản trung bình của nước đang xét. Trong ví dụ ta đã chọn, nếu tài sản trung bình là 200000 euro một người trưởng thành, thì 10% những người giàu nhất sở hữu về trung bình một khối tài sản nét tương đương 1,2 triệu euro một người trưởng thành.

Đường chia mười phía trên của phân phối tài sản là cực kì không đều nhau, còn hơn cả đường chia mười phía trên của phân phối tiền lương. Khi phần sở hữu của đường chia mười phía trên vào khoảng 60% tổng tài sản, như tình hình hiện nay tại phần lớn các nước Châu Âu, phần sở hữu của đường chia một trăm phía trên nói chung vào khoảng 25%, và 9% tiếp theo khoảng 35%. Những người thuộc nhóm đầu tiên vì vậy có tài sản trung bình cao gấp 20 lần mức trung bình của xã hội, trong khi đó nhóm thứ hai sở hữu suýt soát gấp bốn lần mức trung bình. Cụ thể, trong ví dụ ta đã chọn, 10% những người giàu nhất sở hữu khối tài sản nét trung bình 1,2 triệu euro, trong đó 5 triệu euro đối với 1% giàu nhất và ít hơn 800000 euro một chút đối với 9% tiếp theo26.

Thành phần tài sản cũng biến thiên rất mạnh trong nội bộ nhóm này. Trong nhóm đường chia mười phía trên, gần như tất cả mọi người đều sở hữu nhà mình ở. Nhưng tỉ trọng của bất động sản giảm dần khi thứ bậc tài sản tăng dần. Trong nhóm “9%”, xung quanh mức 1 triệu euro, bất động sản chiếm hơn một nửa tài sản, và đối với một số người nó chiếm hơn ba phần tư. Trong nhóm đường chia một trăm phía trên, tài sản tài chính và nghề nghiệp áp đảo rõ rệt bất động sản. Đặc biệt, phiếu góp vốn và các phần sở hữu doanh nghiệp làm nên gần như toàn bộ của các gia sản lớn nhất. Từ 2 triệu đến 5 triệu euro tài sản, phần đóng góp của bất động sản là dưới một phần ba; trên 5 triệu euro, nó rớt xuống dưới 20%; trên 20 triệu euro, nó xuống ít hơn 10%, và phiếu góp vốn và các phần sở hữu doanh nghiệp tạo nên gần như toàn bộ tài sản. Gạch ngói là nơi đặt tiền ưa thích của tầng lớp trung bình và tầm tầm khá giả. Nhưng các gia tài thực sự lớn luôn được chủ yếu tạo nên bởi tài sản tài chính và nghề nghiệp.

Giữa nhóm 50% những người nghèo nhất (giữ 5% tổng tài sản, tương đương 20000 euro tài sản trung bình trong ví dụ ta đã chọn) và 10% những người giàu nhất (sở hữu 60% tổng tài sản, tương đương 1,2 triệu euro tài sản trung bình) là nhóm 40% ở giữa: “tầng lớp trung bình về tài sản” này sở hữu 35% tổng tài sản, nghĩa là tài sản nét trung bình rất gần với mức trung bình của toàn xã hội: trong ví dụ ta đã chọn, nó chính xác là 175000 euro một người trưởng thành. Trong nội bộ nhóm người đông đảo này - nhóm mà tài sản đi từ suýt soát 100000 euro đến hơn 400000 euro -, sự sở hữu nhà ở chính cũng như thể thức mua và trả góp nhà này thường đóng vai trò chính yếu. Số vốn chủ yếu bất động sản đó đôi khi được hoàn chỉnh bằng một số tiền tiết kiệm tài chính không nhỏ. Ví dụ, một tài sản nét 200000 euro có thể gồm một ngôi nhà có giá trị 250000 euro (trong đó phải trừ đi số dư nợ 100000 euro), và thêm vào đó là 50000 euro đặt trong một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc một sổ tiết kiệm hưu trí. Khi trả xong nợ mua nhà, tài sản nét sẽ đạt 300000 euro, hoặc cao hơn nếu tiết kiệm tài chính tăng giá trị trong giai đoạn đó. Đó chính là quĩ đạo tiêu biểu của tầng lớp trung bình trong thứ bậc tài sản: giàu hơn 50% những người nghèo nhất (gần như không sở hữu gì) nhưng nghèo hơn 10% những người giàu nhất (sở hữu nhiều hơn rất nhiều).

18: người dịch. Cục dự trữ liên bang Mĩ.
19: Phần sở hữu của đường chia mười phía trên của Mĩ chắc hẳn phải gần 75% tổng tài sản hơn.
20: Xem phụ lục kĩ thuật.
21: Do thiếu số liệu, rất khó nói liệu tiêu chí này có đúng với Liên bang Soviet và khối các nước chủ nghĩa vốn chung trước đây hay không. Dù sao chăng nữa, vốn chủ yếu được sở hữu bởi các cơ quan công quyền tại các nước trên - điều khiến câu hỏi về bất bình đẳng trở nên kém quan trọng đi rất nhiều.
22: Để ý rằng bất bình đẳng vẫn mạnh trong “xã hội lí tưởng” được miêu tả trong bảng T.7.2 (10% những người giàu nhất sở hữu khối tài sản lớn hơn 50% những người nghèo nhất, mặc dù có số lượng ít hơn năm lần; tài sản trung bình của 1% những người giàu nhất cao gấp hai mươi lần so với 50% những người nghèo nhất). Không gì cấm ta đặt ra tiêu chí cao hơn.
23: Tức là 400000 euro trung bình cho hai người trưởng thành (ví dụ một cặp đôi).
24: Xem chương 3,4,5. Các con số chính xác có trong phụ lục kĩ thuật trên mạng.
25: Về đồ dùng lâu dài, xem chương 5 và phụ lục kĩ thuật.
26: Chính xác là 35 phần 9 (35/9) của 200000 euros, tức là 777778 euro. Xem bảng S7.2 (có trên mạng).

[sau] [trước] [lên mức trên]